CHIA SẺ

Saturday, July 28, 2018

KỸ THUẬT GHÉP MẮT TẠO GIỐNG CÂY KHẾ NGỌT TỪ KHẾ CHUA

Ngày nay, nhờ kỹ thuật lai tạo cây giống mà các kỹ sư nông nhiệp đã lai tạo được nhiều Giống Cây Trồng với năng suất cao và phẩm chất trái tốt. Để biến một Cây Khế Chua thành một Cây Khế Ngọt cũng trở lên vô cùng đơn giản nhờ kỹ thuật ghép mắt. Với kỹ thuật tạo Giống Cây Khế Ngọt từ Khế Chua đơn giản chúng tôi hướng dẫn dưới đây, bạn sẽ nhanh chóng có được một Cây Khế Ngọt sai trĩu quả mà không phải mất công trồng lại từ đầu.


Cây Khế Ngọt

Chuẩn bị gốc và mắt ghép

Gốc Ghép: Bạn chuẩn bị gốc ghép là Cây Khế Chua đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh

Mắt Ghép: Bạn chọn mắt ghép của Cây Khế Ngọt ở cành bánh tẻ (không già, không non). Cành này tốt nhất là nằm ở giữa tán cây và hấp thụ ánh sáng nhiều nhất.

Dụng Cụ: Dao sắc, sạch, Nilon chuyên dụng sử dụng trong chiết ghép cây xanh.


Chuẩn bị gốc và mắt ghép Cây Khế Ngọt

Kỹ thuật ghép mắt tạo Giống Khế Ngọt từ Khế Chua

Bước một: Bạn dùng dao sắc lấy mắt ở cành ghép, cắt vát. Sau đó, bạn cắt gốc ghép hình chữ T nậy vỏ ra cho vừa đủ mắt ghép. Chú ý không được làm tổn thương đến gỗ thân cây gốc ghép. Khép vỏ bao kín mắt ghép lại rồi dùng dây nilon buộc chặt lại.
Ngoài ra, có thể cắt vỏ ở gốc ghép theo hình vuông, hình chữ nhật, chỉ cắt 3 phía, lật vỏ lên, đưa mắt ghép vào, lấy vỏ úp chặt mắt ghép và buộc dây nilon chặt lại.


Kỹ thuật ghép mắt tạo Giống Khế Ngọt từ Khế Chua

Sau khi ghép bạn cần thường xuyên theo dõi mắt ghép, khi thấy các cành của Khế Chua mọc ra bạn phải cắt bỏ hết chỉ để lại cành ghép Khế Ngọt phát triển. Bởi làm như vậy, ngoài mục đích tập trung chất dinh dưỡng cho cành ghép Khế Ngọt phát triển mạnh còn triệt được tận gốc Khế Chua.

Thông thường chỉ sau 8-9 tháng ghép mắt bạn sẽ có được một Cây Khế Ngọt có cành lá sum suê (bằng một Cây Khế Ngọt trồng mới 3 năm tuổi) và cho quả là nhờ có bộ rễ của Cây Khế Chua đang sinh trưởng rất khỏe, nên mắt ghép Khế Ngọt phát triển rất nhanh.

Khi đã có Cây Khế Ngọt, muốn cho Khế Ngọt sai quả, vị ngọt đậm đà nên bón thêm vôi, kali, lân, hạn chế bón đạm hoặc nếu cây đang sung sức, cành lá phát triển nhiều, ta không nên bón đạm.